Hướng dẫn cách phân biệt các loại vải thun thông dụng

Để có được một chiếc áo thun ưng ý thì bạn cần phải phân biệt được tính chất của loại vải dùng để may áo thun. Hiện nay tại thị trường vải TPHCM có rất nhiều các loại vải thun được bày bán với nhiều mức giá khác nhau. Mỗi loại vải đều có nhiều tính chất riêng biệt với nhiều mức giá bán chênh lệch đáng kể. Vậy nếu bạn đang có nhu cầu đặt may áo thun đồng phục cho nhân viên công ty, áo thun đồng phục cho lớp của mình thì đâu là loại vải thích hợp nhất. Điều này hoàn toàn phục thuộc và yêu cầu cụ thể của công việc và những hoạt động của người mặc cũng như kinh phí mà công ty bạn có thể chi ra cho việc may áo thun. Hôm nay cơ sở may nón chúng tôi xin được giới thiệu bài viết về cách nhận diện các loại vải thun để nhằm giúp các bạn không có nhiều am hiểu về các loại vải có thể phân biệt được các loại vải thun thông dụng từ đó đưa ra được lựa chọn phù hợp nhất cho nhu cầu của mình. Mời các bạn cùng theo dõi nhé.

Như chúng ta đã biết vải thun hiện nay được cấu thành từ 2 thành phần chính là sợi cotton tự nhiên có nguồn gốc từ cây bông vải và sợi PE tổng hợp có nguồn gốc từ than đá và dầu mỏ. Dựa vào thành phẩn của vải mà ta có thể chia vải thun thành 4 loại chính với hàm lượng cotton giảm dần như sau: Vải 100% cotton --> Vải Cotton 65/35 (65% cotton)--> Vải Cotton 35/65 (35% cotton)--> Vải PE (100%PE). Xét về giá thành và độ thoáng mát, thoải mái cho người mặc thì vải 100% cotton là cao nhất rồi lần lượt giảm dần theo thứ tự trên. Các bạn có thể xem thêm bài viết về cách phân loại vải thun để có được cái nhìn tổng quan hơn về các loại vải thun phổ biến hiện nay.

Các loại vải may áo thun
Các loại vải may áo thun

Tại thị trường may mặc hiện nay có rất nhiều cửa hàng hoặc cơ sở may mặc vì ham lợi nhuận mà sử dụng các loại vải không phải 100% cotton nhưng lại gắn mác 100% cotton để đánh lừa khách hàng không am hiểu. Điều đó làm cho rất nhiều các khách hàng gặp khó khăn khi muốn được sử dụng những chiếc áo thoáng mát làm từ chất liệu vải 100% cotton. Nếu như nhìn bề ngoài thì sẽ rất khó phân biệt được 4 loại vải trên đối với các khách hàng không làm trong nghành thời trang, do đó hôm nay Công ty may đồng phục chúng tôi xin được gửi tới quý khách một vài bí quyết thực tế có thể dễ dàng áp dụng trong việc nhận dạng 4 loại vải thun dựa theo thành phần của chúng. Sau khi tham khảo những mẹo nhỏ này thì chúng tôi tin chắc rằng bạn sẽ không còn cảm thấy bối rối khi phân vân rằng chiếc áo thun mình muốn mua có phải là loại vải 100% cotton hay không hay là nó được may chính xác bằng chất liệu gì. Ngoài ra mục đích của bài hướng dẫn này còn có mục tiêu là giúp các bạn hiểu rõ hơn về tính chất, ưu nhược điểm của từng loại vải để có thể lựa chọn được một loại vải đúng với nhu cầu của mình khi muốn mua hay đặt may áo thun đồng phục.

Vải may áo thun
Vải may áo thun

Sau đây là cách thức đơn giản để nhận diện đúng 4 loại vải thun được phân loại dựa theo thành phần Cotton và PE.

1. Nhận diện vải 100% cotton

– Tính chất: Có ưu điểm là vải mặc thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt, giảm nhiệt cơ thể. Có nhược điểm là vải dễ nhăn, có thể co giãn làm mất form áo khi giặt nhiều lần, giá thành cao nhất trong các loại vải. Thường được dùng cho các loại áo thun cao cấp.
– Đặc điểm nhận dạng:
+ Nhìn mặt vải: Mặt vải khá thô, không bóng láng như vải PE.
+ Sờ vải: Mặt vải rất mềm, có độ thô, cảm giác mát tay khi sờ.
+ Vò mạnh vải: Rất nhăn nếu bị vò mạnh
+ Đốt vải: Vải bắt lửa rất ngọt, cháy rất nhanh khi đốt, giống như là đang đốt giấy vì có mùi như giấy cháy, tro vải có màu xám, tan ra dễ dàng và không bị vón cục.

+ Làm ướt vải: Vải sẽ thấm nước rất nhanh, diện tích loang nước rộng.

2. Nhận diện vải 65/35 (Còn gọi là CVC hay Cotton 65/35)

– Tính chất: Vải này có tính chất gần giống như vải 100% cotton, thấm hút mồ hôi khá tốt, mặc khá mát, ít nhăn hơn và giá thành thấp hơn vải 100% cotton một chút. Thường được dùng để may các loại áo thun loại tốt.
– Đặc điểm nhận dạng:
+ Nhìn mặt vải: Mặt vải láng hơn vải 100% cotton.
+ Sờ vải: Mặt vải khá mềm, cảm giác không mát tay khi sờ.
+ Vò mạnh vải: Vò mạnh sẽ thấy nhăn nhiều, vò nhẹ hầu như không nhăn.
+ Đốt vải: Bắt lửa tốt, cháy nhanh, khi cháy có chút mùi nhựa, tro tan nhanh, ít bị vón cục.
+ Làm ướt vải: Vải thấm nước nhanh nhưng không bằng vải cotton 100%.

3. Nhận diện vải 35/65 (Còn gọi là TC, Tixi hay Cotton 35/65)

– Tính Chất: Thấm hút mồ hôi tương đối, hơi nóng khi mặc, vải rất ít nhăn, hầu như không bị giãn khi giặt nên giữ được form áo rất lâu, giá thành trung bình. Thường được dùng để may các loại áo thun trung cấp.
– Đặc điểm nhận dạng:
+ Nhìn mặt vải: Mặt vải trơn láng, có độ bóng.
+ Sờ vải: Mặt vải khá cứng, cảm giác không mát tay khi sờ.
+ Vò mạnh vải: Vò mạnh mới thấy vải nhăn ít, vò nhẹ không nhăn.
+ Đốt vải: Bắt lửa khá kém, cháy chậm, có chút mùi nhựa tương đối rõ khi cháy. Vải cháy xong bị vón thành cục nhỏ không tan hết khi bóp nhưng vẫn thấy có một ít tro.
+ Làm ướt vải: Vải thấm nước chậm, cảm giác hút nước kém.

4. Nhận diện vải PE (Vải 100% PE)

– Tính Chất: Thấm hút mồ hôi rất kém, cảm giác nóng bức khi hoạt động mạnh, vải hầu như không nhăn, không bị giãn khi giặt nên giữ được form áo rất tốt, dễ nhuộm màu, giá thành thấp nhất. Thường được dùng để may các loại áo thun giá rẻ.
– Đặc điểm nhận dạng:
+ Nhìn mặt vải: Mặt vải có độ sáng hơi bóng, các đường vải có độ đều cao, có cảm giác các sợi xếp song song với nhau.
+ Sờ vải: Mặt vải trơn láng, sờ vào cảm giác nóng, thể bị xù lông sau một thời gian dài sử dụng.
+ Vò mạnh vải: Vò mạnh vải cũng không bị nhàu.
+ Đốt vải: Bắt lửa kém nhất, cháy chậm, không cháy ngay mà xoắn vào thành cục và có mùi khét của cao su như khi đốt nhựa, ngọn lửa cháy nhấp nhô dễ tắt. Vải cháy xong không có tàn tro mà mà vón thành cục lớn, rất cứng, bóp không tan.
+ Làm ướt vải: Vải thấm nước rất chậm, cảm giác như vải không thấm nước.

Mời các bạn cùng xem bảng tóm tắt cách nhận diện vải thun qua phương pháp nhiệt học ( phương pháp đốt) :

Nhận diện các loại vải thun bằng phương pháp nhiệt học
Nhận diện các loại vải thun bằng phương pháp nhiệt học

Như vậy mỗi loại vải đều có ưu nhược điểm riêng, giá thành cũng khác nhau khá nhiều. Tùy vào nhu cầu sử dụng và mức kinh phí hiện có mà các bạn lựa chọn loại vải phù hợp nhất cho chiếc áo thun đồng phục của mình nhé.

Các bạn có thể ghé thăm Website: maydongphucglu.com của Công ty may đồng phục và thời trang GLU để tham khảo thêm nhiều bài viết hay về thời trang nữa nhé.

028.6650.8833
challenges-icon chat-active-icon